Tài nguyên truy cập mở


Tài nguyên truy cập mở có nhiều dạng thức khác nhau: tạp chí, báo cáo khoa học, ebook, audio, video, hình ảnh, tài liệu học tập, …

Với sự ra đời và phát triển của xuất bản “truy cập mở”, cộng đồng dễ dàng tiếp cận với nguồn tài nguyên thông tin phong phú, được chia sẻ miễn phí, rộng khắp và hợp pháp.

Thư viện Văn Lang tìm hiểu, chọn lọc và giới thiệu đến bạn đọc nguồn tài nguyên truy cập mở chất lượng, phù hợp với các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu thuộc Trường.

Lịch sử Truy cập mở  

  • Tháng 02/2002, thuật ngữ “truy cập mở” (open access) được công bố lần đầu tiên trong “Sáng kiến truy cập mở Buddapest”. Sáng kiến này cho phép người dùng truy cập, đọc, tải, sao chép, phân phối, in ấn tài liệu cho các mục đích hợp pháp mà không gặp phải rào cản nào về tài chính, pháp lý, kỹ thuật; với điều kiện người dùng phải tôn trong quyền nhân thân của tác giả, đặc biệt là quyền đứng tên, đặt tên, bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm.
  • Tháng 03/2003, Viện Y khoa Howard Hughes đưa ra định nghĩa “tạp chí truy cập mở” (open access journal); đề cập đến việc cấp quyền truy cập, sao chép, sử dụng, phân phối, truyền tải, hiển thị tác phẩm khoa học một cách công khai, miễn phí trên phạm vi toàn cầu và đảm bảo quyền nhân thân của tác giả. Đặc biệt, tuyên bố Bethesda này cho phép người dùng thực hiện tài liệu phái sinh từ tài liệu gốc, chẳng hạn như có quyền dịch sang ngôn ngữ khác, có quyền đưa vào một bộ sưu tập, có quyền tái sử dụng kết quả nghiên cứu, … nhằm mục đích nghiên cứu.
  • Tháng 10/2003, Tuyên bố Berlin đề cập đến “truy cập mở đối với kiến thức khoa học và nhân văn” (open access to knowledge in the sciences and humanities); tập trung vào quyền sao chép, quyền thực hiện tài liệu phái sinh đối với các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
  • Tháng 01/2004, OECD thông qua Tuyên bố về truy cập dữ liệu nghiên cứu từ tài trợ công (access to research data from public funding); lập ra nguyên tắc và hướng dẫn truy cập dữ liệu nghiên cứu từ tài trợ công, nhấn mạnh tính cởi mở (openness).
  • Tháng 6/2012, UNESCO ra Tuyên bố Paris về tài nguyên giáo dục truy cập mở (open educational resources). Theo đó, tài nguyên giáo dục truy cập mở gồm tất cả các dạng tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập trong nhà trường (như: chương trình đào tạo, đề cương môn học, bài giảng, bài tập, bài kiểm tra, báo cáo, âm thanh, hình ảnh, mô phỏng, …) được xuất bản rộng rãi với quyền truy cập mở; cho phép nhân bản, sử dụng, thay đổi, chia sẻ nội dung miễn phí, hợp pháp.
  • Nhìn chung, việc sản xuất, phát hành truy cập mở đã được bao quát với nhiều dạng tài liệu khác nhau: tạp chí, báo cáo khoa học, ebook, audio, video, hình ảnh, đề cương môn học, chương trình đào tạo, tài liệu học tập, …

Giấy phép Tài nguyên truy cập mở 

WIPO 2016 quy định 6 dạng giấy phép cho các tài nguyên giáo dục truy cập mở, gồm:

  • Creative Commons/Attribution 3.0 IGO (CC BY): Cho phép người dùng sao phép, phân phối, chỉnh sửa, dịch với tác phẩm gốc cho mục đích phi lợi nhuận lẫn thương mại, yêu cầu tôn trọng quyền nhân thân của tác giả.
  • Creative Commons/Atttibution-ShareAlike 3.0 IGO (CC BY-SA): Cho phép người dùng sao chép, phân phối, chỉnh sửa, dịch tác phẩm gốc với mục đích phi lợi nhuận lẫn thương mại, yêu cầu tôn trọng quyền nhân thân của tác giả và tác phẩm phái sinh (nếu có) phải được cấp phép theo những điều kiện giống tác phẩm gốc.
  • Creative Commons/Attribution-NonCommercial 3.0 IGO (CC BY-NC): Cho phép người dùng sao phép, phân phối, chỉnh sửa, dịch tác phẩm gốc cho mục đích phi lợi nhuận, yêu cầu tôn trọng quyền nhân thân của tác giả. Các hành vi khác phải được sự cho phép bằng văn bản của chủ sở hữu tác phẩm.
  • Creative Commons/Attribution-NoDerivs 3.0 IGO (CC BY-ND): Cho phép người dùng sao chép, phân phối tác phẩm gốc ở dạng nguyên vẹn (không được thay đổi hình thức và nội dung tác phẩm gốc) với mục đích phi lợi nhuận lẫn thương mại (không bao gồm quyền dịch), yêu cầu tôn trọng quyền nhân thân của tác giả. Các hành vi khác phải được sự cho phép bằng văn bản của chủ sở hữu tác phẩm.
  • Creative Commons/Attribution-NonCommercial-ShareAlike 3.0 IGO (CC BY-NC-SA): Cho phép người dùng sao chép, chỉnh sửa, dịch tác phẩm với mục đích phi lợi nhuận; yêu cầu tôn trọng quyền nhân thân của tác giả. Các hành vi khác phải được sự cho phép bằng văn bản của chủ sở hữu tác phẩm.
  • Creative Commons/Attribution-NonCommercial-NoDerivs 3.0 IGO (CC BY-NC-ND): Cho phép người dùng sao chép tác phẩm ở dạng nguyên vẹn vì mục đích phi lợi nhuận, yêu càu tôn trọng quyền nhân thân của tác giả. Các hành vi khác phải được sự cho phép bằng văn bản của chủ sở hữu tác phẩm.

Danh sách Cơ sở dữ liệu truy cập mở

Thư viện Văn Lang xin giới thiệu đến các bạn những cơ sở dữ liệu truy cập mở uy tín, được nhiều người dùng tin trên thế giới khai thác để tham khảo cho hoạt động học tập, giảng dạy, nghiên cứu.