Tác giả trẻ Thái Cường: "Mỗi ngày trôi như một câu chuyện"

(Thư viện Văn Lang – ngày 05/5/2018) – Vừa bước qua ngưỡng tuổi 25 nhưng Thái Cường đã kịp xuất bản 2 tiểu thuyết: “Những mảnh mắt nhìn” (2017), “Gam lam không thực” (2018). Thật ngạc nhiên khi một người trẻ như anh lại thích viết về nỗi ám ảnh thời gian, về tuổi tác và sự đổi thay trong đời sống vô thường. Trò chuyện với Thư viện Văn Lang, Thái Cường đã trải lòng về lựa chọn ấy.

 

Chào các bạn độc giả của Thư viện Văn Lang! Tôi là Thái Cường. Là tác giả trẻ, tôi luôn muốn trò chuyện với những người đọc ở độ tuổi sinh viên. Thật vui vì hôm nay có thể chia sẻ với các bạn về sách vở, văn chương.

Xin được bắt đầu bằng câu chuyện về cái "duyên" đưa tôi đến với chủ đề sáng tác yêu thích. Vài năm trước, khi biết mình “thương” chữ, tôi nghĩ mình cần phải viết một thứ gì đó. Nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần đặt bút xuống, càng cố gắng thể hiện cho thật sâu sắc, tôi lại chẳng đi tới đâu.

Mãi cho đến khi sức khỏe gặp vấn đề, nếp ngày thường nhật của tôi thay đổi, mỗi ngày trôi qua như một câu chuyện dài. Chính thời điểm ấy, tôi về quê, bắt đầu viết tiểu thuyết trong không khí gần gũi bên gia đình.

Tôi là kiểu người dễ buồn vì những điều đã cũ, nuối tiếc khi so sánh giữa chính mình của hiện tại và nhiều năm về trước, sợ mình chai sạn từng ngày và thỏa hiệp với cuộc sống. Đôi khi bắt gặp những cụ già tản bộ trên đường, tôi chợt nhận ra mối liên kết giữa mình với họ; hiểu rằng sự sống vẫn tiếp tục khi người ta không còn trẻ, trước sau rồi mình cũng trở thành họ, cũng sẽ lúc nhớ lúc quên cả chính mình của một thời sôi nổi. Đó là lý do tại sao tôi không viết về những vấn đề “đao to búa lớn”, vì kể chuyện bé mọn đời thường cũng có “cái thú” riêng, thậm chí sự đổi khác giữa hôm qua và hôm nay thôi cũng đủ khiến tôi xao động.

Suy cho cùng, có những việc đã trải qua tệ hại tưởng chừng không muốn nhìn lại, nhưng thật tâm soi xét mới thấy hàm ơn vô chừng. Chính biến cố trong cuộc sống đã đưa tôi đến với quá trình sáng tạo văn chương, giúp tôi nhận ra cảm hứng không ở đâu xa, mà khơi nguồn từ những điều quanh ta, những điều giản đơn bình thường.

Cũng vì thế mà điều ảnh hưởng sâu sắc nhất đến công việc viết lách của tôi là không phải ai hay điều gì mà chính là cuộc sống của tôi. Tôi vốn luôn tâm niệm “Sống đã rồi hãy viết”, nên nếu một mai tôi không còn chuyện gì thú vị để kể nữa, tôi nghĩ duyên văn chương của mình lúc đó cũng không còn. Thú thật tôi không giỏi hư cấu, tưởng tượng hay dựa vào nhiều nguồn thông tin, tài liệu để phác thảo một bối cảnh nào đó mà mình chưa từng trải qua hay chứng kiến.

Tôi chỉ mới có hai tiểu thuyết được xuất bản. Vì tôi chọn theo đuổi tiểu thuyết nên không thể vội vàng được, bởi lẽ hiếm có ai hoàn thành một tác phẩm thuộc thể loại này trong thời gian ngắn mà phải qua nhiều tháng liền, thậm chí hàng năm trời. Khi đó, nhiều yếu tố chi phối sẽ làm đứt mạch truyện, nội dung chắp vá. Để nuôi được mạch cảm xúc ổn định là chuyện không dễ, nhất là đối với các nhà văn trẻ như tôi.

Người ta vẫn thường định kiến nhà văn trẻ thường chỉ viết dễ dãi theo thị hiếu công chúng, nhiều độc giả sẽ hoài nghi về giá trị của rất nhiều đầu sách “trẻ” được xuất bản mỗi năm nên không dễ để được chú ý. Nhưng khó khăn đó cũng là một thuận lợi, vì mình trẻ, mình còn mới, kỳ vọng của người đọc dành cho mình chưa cao, áp lực chưa thật lớn. Tôi hoàn toàn tự do thể hiện điều mình muốn.

Thái Cường