(Thư viện Văn Lang – ngày 15/5/2018) – Tiếp tục cuộc gặp gỡ với những cây bút trẻ, Thư viện Văn Lang xin gửi tới độc giả cuộc trò chuyện với Hạ Nguyên – tác giả tập truyện ngắn “Bèo không trôi ra biển” đã tạo ra một cơn sóng nhỏ trong giới văn chương vào năm 2016.
"Bèo không trôi ra biển” gây ít nhiều ấn tượng với độc giả trẻ cũng như giới cầm bút, không chỉ vì cái tên là lạ của mình. Truyện ngắn chủ đề được Giáo sư Ngô Bảo Châu trực tiếp giới thiệu trên facebook cá nhân từ trước khi xuất bản. Tập truyện được nhà thơ Ý Nhi viết lời tựa. Phải đọc rồi mới thấy tác phẩm của Hạ Nguyên đủ sức hấp dẫn, xứng đáng với lời bảo chứng từ những tên tuổi trong làng văn chương, học thuật.
Thư viện Văn Lang (TVVL): Chào Hạ Nguyên! Nhiều người tò mò khi vừa đọc tựa đề tập truyện ngắn của bạn - “Bèo không trôi ra biển”. Bạn đã kể chuyện gì cho tựa đề đó?
Tác giả trẻ Hạ Nguyên (HN): Chào các bạn độc giả của Thư viện Văn Lang. “Bèo không trôi ra biển” là tập truyện ngắn đầu tay của mình. Đó là những câu chuyện về hành trình lớn lên của những người trẻ, hầu hết đều loay hoay, chật vật khi bước vào đời, va chạm rồi trầy xước. Giai đoạn chuyển tiếp này có nhiều điều đáng nhớ, nhiều tổn thương, mất mát nhưng cũng rất đáng trân trọng.
Truyện ngắn “Bèo không trôi ra biển” mà mình lấy tên đặt cho tập truyện được viết theo hình thức những đoạn chat giữa hai nhân vật vô danh, cuộc trò chuyện thì gần gũi và chân thành, nhưng nickname thì mơ hồ, không dấu vết. Vì tác phẩm kết thúc mở, nên có lẽ mọi người đều muốn biết cuộc sống của họ sẽ ra sao sau những cuộc trò chuyện đó. Nhưng giống như mọi người, mình cũng băn khoăn rất nhiều, chính mình cũng không biết những nhân vật của mình sẽ đi về đâu.
TVVL: Vậy thì theo bạn, hoang mang là một đặc tính của người trẻ thời đại này?
HN: Chúng mình nhạy cảm nhưng cũng thích nghi nhanh lắm! Mình từ nhỏ đã thích đọc sách, nghe nhạc hơn là ra ngoài chơi cùng bạn bè. Nhưng bên cạnh đó thì như những người trẻ khác, chúng mình rất hào hứng với thế giới phẳng của thời đại công nghệ thông tin, vui vẻ đón nhận những trào lưu mới, những tiến bộ công nghệ.
TVVL: Một cây bút trẻ như bạn có những điểm mạnh và điểm yếu gì?
HN: Người trẻ nói chung và các tác giả trẻ nói riêng đều không bằng lòng với những hình thức cũ kỹ và luôn trăn trở tìm tòi, sáng tạo ra cái mới. Chúng mình có thể phát hiện nhiều đề tài mới để sáng tác. Nhưng biến ý tưởng thành trang văn là điều khó khăn, mình và khá nhiều cây bút trẻ khác còn thiếu những trải nghiệm sống chất lượng. Mình không thể viết một cách chân thực với một vốn sống nghèo nàn. Nói như Haruki Murakami – nhà văn Nhật Bản mà mình yêu thích – thì: “Đôi khi bạn phải sống cuộc đời của chính mình cho hết sức hết lòng, hết mực chân thành, sau đó bạn mới tìm thấy một cái gì đó của riêng mình để viết.”.
Nhưng rất may mắn là chúng mình nhận được nhiều lời động viên từ các nhà văn, nhà thơ đi trước, họ chính là động lực lớn thúc đẩy mình tiếp tục viết, cảm giác khi hoàn thành một câu chuyện bao giờ cũng rất vui và đầy kỳ vọng.
TVVL: Bạn vừa nhắc đến một tác giả nước ngoài, có thể chia sẻ một chút về thói quen đọc của mình với độc giả Thư viện Văn Lang không?
HN: Lúc còn đi học, vì nơi mình ở chỉ là một thị xã bé nhỏ, mình phải đạp xe nhiều cây số để đến hiệu sách “đọc cọp” những tác phẩm văn học kinh điển. Mình đọc khá đa dạng: văn học Việt Nam, văn học Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Ý… và nền văn học nào cũng có những tác giả yêu thích, mình cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ họ. Từ những ngày tháng say sưa đọc đủ loại sách đó, mình bắt đầu có khát khao được viết ra câu chuyện của chính mình.
Mỗi khi đọc xong một cuốn sách hay, mình đều muốn chia sẻ để mọi người cùng đọc. Gần đây nhất, mình đọc cuốn “Người tị nạn” của Viet Thanh Nguyen – một nhà văn người Việt đang sống tại Mỹ. Tập truyện ngắn kể về cuộc sống phức tạp của những người tị nạn trên đất Mỹ. Họ sống giữa những khác biệt văn hóa, sự kỳ thị của dân bản xứ và những ám ảnh về chiến tranh và cuộc vượt biên đầy sóng gió trong quá khứ. Giọng văn Viet Thanh Nguyen điềm đạm và sắc lạnh, nhưng ẩn sâu bên trong mỗi câu chuyện là lòng thương thấm thía của ông với người Việt, với những con người bé nhỏ mắc kẹt giữa hai đất nước, giữa chiến tranh, giữa sự ích kỉ, nhỏ nhen, độc ác của chính con người. Đây là một cuốn sách rất đáng đọc, đọc để thấu hiểu, bao dung và xoa dịu những vết thương hậu chiến.
TVVL: Còn tác phẩm của Hạ Nguyên thì sao? Độc giả phải chờ đợi bao lâu nữa để đọc cuốn sách tiếp theo của bạn?
HN: Năm 17 tuổi, mình bắt đầu tập tành viết truyện ngắn. “Bèo không trôi ra biển” xuất bản năm 2016, lúc mình 26 tuổi. Trong số những truyện ngắn trong tập này thì “Bèo không trôi ra biển” khiến mình trăn trở nhiều nhất, đó cũng là một chướng ngại mà mình khó vượt qua. Mình có cảm giác những tác phẩm sau này khó tạo được sự ám ảnh như vậy nữa. Chính vì thế nên sau khi ra mắt tập truyện, mình im lặng khá lâu và mình cũng muốn chuẩn bị thật kỹ cho một sự trở lại ấn tượng hơn.
TVVL: Cảm ơn Hạ Nguyên đã chia sẻ chân thành!
HN: Cảm ơn và chào tạm biệt các bạn độc giả của Thư viện Văn Lang, hy vọng có thể sớm gặp lại các bạn qua những trang viết mới! Chúc các bạn luôn giữ được niềm vui thích với việc đọc, vì nhờ đọc, chúng ta sẽ có những chuyến đi rất xa trong cuộc đời này…
Bảo Linh (thực hiện)